Trống đồng Đông Sơn, hay còn gọi là trống đồng Việt Nam, là di sản văn hóa quý báu, được coi là “quốc bảo” của Việt Nam. Với thiết kế cân đối, hài hòa, tinh xảo, trống đồng thể hiện một cách chân thực và sống động về nền văn hóa Đông Sơn thịnh vượng – một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam. Sự phát triển của văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2500 năm đã đặt nền móng quan trọng cho sự hình thành và xây dựng nhà nước Văn Lang – nhà nước sơ khai đầu tiên dưới thời các Vua Hùng.
Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đẹp về mặt thẩm mỹ mà còn ẩn chứa những giá trị nội hàm sâu sắc, khắc họa một cách tinh tế sự phát triển và thịnh vượng của thời kỳ văn hóa này.
Trong các tư liệu nghiên cứu văn hóa lịch sử, nó được tìm thấy ở hầu hết các vùng miền Bắc, Trung, Nam (Việt Nam), và còn xuất hiện ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào và nhiều nước Đông Nam Á khác. Điều này khẳng định sức ảnh hưởng rộng lớn của nền văn hóa Đông Sơn thời bấy giờ. Bài viết này, Phúc Tường Gold sẽ giới thiệu chi tiết về các phân loại, đặc điểm và ý nghĩa của trống đồng Việt Nam, đặc biệt là trống đồng Đông Sơn.
Mục lục
I. Phân loại và đặc điểm trống đồng
Năm 1902, nhà nghiên cứu người Áo F. Heger đã thực hiện một công trình nghiên cứu bài bản về trống đồng kim khí Đông Nam Á. Ông đã phân loại trống đồng thành 4 nhóm chính:
- Nhóm I
- Nhóm II
- Nhóm III
- Nhóm IV
Ngoài ra, Heger còn phân chia thêm 3 nhóm phụ trung gian: Nhóm trung gian giữa I và II, giữa II và IV, giữa I và IV. Kết quả nghiên cứu này vẫn được các chuyên gia thế giới và Việt Nam ứng dụng cho đến ngày nay.
Riêng với trống đồng Việt Nam, từ năm 1929 đến nay, đã có nhiều nghiên cứu sâu rộng được thực hiện. Ban đầu, các học giả nước ngoài chủ yếu tìm hiểu về trống đồng Việt Nam. Tuy nhiên, từ thập niên 50 trở đi, nhiều chuyên gia Việt Nam đã có điều kiện tham gia nghiên cứu và công bố kết quả trên các tạp chí khảo cổ và lịch sử. Nhiều tổ chức chuyên môn như Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn vật khảo cổ Quảng Tây (Trung Quốc) đã phối hợp với các đơn vị Việt Nam tổ chức các hội nghị, chuyên đề nghiên cứu riêng về trống đồng Việt Nam.
Kết quả từ các nghiên cứu chuyên khảo cho thấy:
- Việt Nam có đầy đủ các loại trống đồng I, II, III, IV và các loại trống trung gian.
- Một số loại trống đồng Việt Nam đã xuất hiện nhưng chưa được F. Heger biết đến vào thời điểm ông nghiên cứu.
- Trống đồng xuất hiện và phân bố rộng khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam.
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa hiện đang lưu giữ số lượng trống lớn nhất, bao gồm trống loại I, loại II và trống minh khí. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có đầy đủ 4 nhóm trống cơ bản và trống trung gian, trong đó trống Hoàng Hạ và Ngọc Lũ (thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn) là những dòng trống đẹp và tiêu biểu nhất. Các tổ chức và địa phương khác như Bảo tàng tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ… cũng đều sở hữu một số hoặc đầy đủ các dòng trống trong số 4 nhóm trống đồng chính cùng với nhóm trung gian.

4 loại Trống Đồng chính
1, Trống đồng Heger I
Đây là nhóm cổ nhất, là tiền đề phát triển cho nhiều loại trống đồng khác. Tại Việt Nam, trống đồng Đông Sơn được xếp vào nhóm trống loại I Heger.
- Kích thước lớn.
- Tại Việt Nam, đây chính là trống đồng Đông Sơn. Tuy nhiên, nhóm loại I Heger có phạm vi phân bố rộng hơn, không chỉ giới hạn ở nền văn hóa Đông Sơn như nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra. Một công bố trên trang thông tin của Bảo tàng Tỉnh Thanh Hóa cho biết nhiều trống đồng loại I Heger tìm thấy ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có thể không thuộc văn hóa Đông Sơn.
- Mặt trống nhỏ hơn tang trống.
- Tổng thể trống được chia thành 4 phần từ trên xuống: mặt trống, tang trống, thân trống, chân trống.
- Hoa văn trên trống thể hiện sự kế tiếp hoặc gối nhau từ sớm đến muộn.
Dựa vào những đặc điểm, các chuyên gia Việt Nam đã chia trống loại I Heger thành các nhóm bao gồm:
- Nhóm A (bao gồm Nhóm A1 và Nhóm A2)
- Nhóm B
- Nhóm C
Ngoài ra cũng có một số cách phân loại theo cách khác được chuyên gia sử dụng, nhưng cách phân chia theo 5 phụ loại trống đồng trên là cách phổ biến thường thấy.
Đối với hoa văn thể hiện trên trống đồng Việt Nam loại I Heger, được phân thành 3 nhóm:
- Hoa văn nhóm trống sớm: Tính hiện thực được đề cao
- Hoa văn nhóm trống muộn: Tính giản lược và biến hình thể được nhấn mạnh
- Hoa văn nhóm trống sau giai đoạn muộn: Có hoa văn hình trâm, khối tượng cóc, trong khi xu hướng biến hình thể vẫn được phát triển.
2, Trống đồng Việt Nam loại II Heger
Chủ yếu được tìm thấy tại Hòa Bình, Phú Thọ, và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Đây là loại trống dễ nhận biết bởi những đặc điểm riêng có.
2.1, Đặc điểm
- Mặt trống nhô ra khỏi tang trống
- Tượng cóc xuất hiện với số lượng 4 hoặc 6
- Trên trống loại II Heger cũng xuất hiện hình tượng rùa, voi thay thế cho cóc.
- Thân và chân trống đồng Việt Nam loại II Heger choãi dần đều.
2.2, Các phân nhóm
Năm 1985, Hội nghị khoa học về Trống đồng Việt Nam được tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu đã phân trống loại II Heger của nước ta thành 3 nhóm chính bao gồm:
- Nhóm trống loại II Heger trong thiên niên kỷ I sau Công nguyên.
- Nhóm trống loại II Heger trong giai đoạn triều đại nhà Lý đến nhà Trần.
- Nhóm trống loại II Heger sau thời Trần.
Trống đồng Việt Nam loại II Heger còn được gọi là Trống Mường. Nhiều quan điểm của chuyên gia cho rằng, dòng trống này phần lớn được tìm thấy ở các khu sinh cư của đồng bào Mường. Tuy vậy một số tư liệu chỉ ra, trống có loại II ở Việt Nam được sản xuất từ người Việt – Mường và người Kinh sau đó phân bổ phát triển ra các vùng.
3, Trống đồng Việt Nam loại III Heger
Loại này được tìm thấy ở nhiều nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Indonesia, Việt Nam… trống loại III cũng được tìm thấy ở nhiều địa phương phía Nam của Trung Quốc.
Đặc điểm:
- Phần trên to
- Mặt trống nhô ra khỏi tang trống
- So với trống loại II thì tượng cóc thanh mảnh hơn. Cóc có thể cõng lên nhau.
- Thiết kế thân và chân trống có phần loe ở dưới
Tại Việt Nam, trống loại III chủ yếu được tìm thấy ở những địa phương vùng Tây Bắc, số lượng tương đối hạn chế. Theo công trình nghiên cứu của F.Heger, trống loại III được gọi là trống Shan, do người phía Đông Miến Điện sản xuất. Tuy nhiên dòng trống này phân bổ ở nhiều khu vực Đông Nam Á, phía Nam Trung Quốc, nên có thể thấy trống loại III Heger tương đối phổ thông trong giai đoạn phát triển.
4, Trống đồng Việt Nam loại IV Heger
Loại này được cho là hưng thịnh vào thiên niên kỷ thứ II sau Công nguyên; phân bổ rộng rãi ở nhiều khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam trống loại IV ghi nhận nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc: Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên….trống nhóm này có mối liên hệ với người Lô Lô.
Đặc điểm trống Việt Nam loại IV Heger:
- Tang trống lùi vào trong so với mặt trống
- Hoa văn trên trống loại IV có sự tương đồng với trống loại I; song hoa văn chưa đạt đến độ tinh xảo so với loại I. Các nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi, tại sao có sự tương hợp giữa trống đồng loại I và loại IV, liệu có sự khác nhau giữa trống loại IV của Việt Nam với quốc gia khác trong khu vực, đến nay vẫn đang đi tìm lời giải ẩn chứa bên trong.
II. Trống đồng Đông Sơn Việt Nam (Heger I)
Các tư liệu văn hóa lịch sử Việt Nam và các công trình nghiên cứu của chuyên gia đều khẳng định rằng Trống đồng Đông Sơn của Việt Nam thuộc loại I Heger. Phần này sẽ tập trung vào việc tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc, đặc điểm và ý nghĩa của trống đồng Đông Sơn.
1, Nguồn gốc
Trống đồng Đông Sơn không chỉ là một loại nhạc cụ mà còn là bảo vật quý giá của các dân tộc Việt Nam. Nó là sản phẩm có nguồn gốc từ nền văn hóa Đông Sơn (cách đây 2500-3000 năm) – một thời kỳ lịch sử vàng son, hưng thịnh của nước ta. Sau giai đoạn này, nhà nước Văn Lang đã phát triển dưới thời các Vua Hùng. Kể từ đó, trống Đông Sơn được nâng lên một tầm cao mới về kỹ thuật chế tác, hoa văn, họa tiết, đặc biệt là dòng trống Đền Hùng.
Văn hóa Đông Sơn phát triển mạnh mẽ tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ Việt Nam:
- Phú Thọ
- Hòa Bình
- Thanh Hóa
- Nghệ An
- Ninh Bình
- Yên Bái và một số tỉnh thành khác.
Văn hóa Đông Sơn còn lan rộng ra nhiều địa phương ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Nền văn hóa này chính là cơ sở vật chất vững chắc cho sự hình thành nhà nước Văn Lang.
Các nhà khoa học Việt Nam cho rằng Trống đồng Đông Sơn là một hiện vật khắc họa chân thực các hình ảnh thực tế của nền văn hóa Đông Sơn, cũng như các hình tượng về nhà nước Văn Lang – Âu Lạc – nhà nước đầu tiên của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hùng Vương.
2, Các loại Trống Đồng Đông Sơn
Hiện nay, có hai cách chính để phân loại trống đồng Đông Sơn:
- Cách thứ nhất: Phân thành nhóm A (bao gồm A1 và A2), nhóm B và nhóm C.
- Cách thứ hai: Phân theo thứ tự từ A đến Đ.
Bài viết này sẽ liệt kê các loại trống đồng Đông Sơn phổ biến của Việt Nam theo cách thứ nhất. Tên gọi của mỗi loại trống thường bắt nguồn từ vùng đất, địa danh nơi khai quật hoặc tìm thấy trống. Tuy nhiên, tất cả đều thuộc hệ thống trống đồng Đông Sơn. Việc phân loại có ý nghĩa quan trọng trong việc sưu tầm và nghiên cứu.
2.1. Trống Đồng Đông Sơn nhóm A
Nhóm này được chia thành hai nhóm nhỏ hơn:
2.1.1. Trống đồng Đông Sơn nhóm A1
Có tổng cộng 6 chiếc trống nổi bật:
- Ngọc Lũ I: Phát hiện tại Hà Nam, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Hà Nội. Họa tiết hoa văn chính bao gồm: Mặt trời 14 tia, hình nhà cầu mái vòm, hình người trang trí nhảy múa, hình thuyền chiến, hình chiến binh, hình người giã gạo, muông thú, lông chim…
- Hoàng Hạ: (Hà Đông, Hà Nội ngày nay).
- Trống đồng Đông Sơn Sông Đà: (Phát hiện tại Hòa Bình).
- Trống Khai Hóa.
- Trống Bản Thôm: (Sơn La).
- Trống Quảng Xương: (Phát hiện tại Quảng Xương, Thanh Hóa). Họa tiết hoa văn chính gồm có: Ngôi sao chính giữa 8 cánh, hình người, nhà sàn, hình người trang trí, thuyền…
2.1.2. Trống đồng Đông Sơn nhóm A2
Có tổng cộng 8 chiếc trống được phân vào nhóm A2:
- Trống Miếu Môn: (Phát hiện tại Mỹ Đức, Hà Tây – nay là Hà Nội), hiện lưu giữ tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Trống còn được gọi với tên khác là trống Thượng Lâm.
- Trống Vũ Bị: Phát hiện tại làng Vũ Bị (Hà Nam).
- Trống Đồi Ro.
- Trống Làng Vạc I: (Nghệ An).
- Trống Làng Vạc II: (Nghệ An).
- Trống đồng Đông Sơn Pha Long: Họa tiết chính gồm: Mặt trời 16 cánh, bông lúa, chim Lạc, hình thuyền…
- Trống Phú Xuyên.
- Trống Quảng Trị.
2.2. Trống Đồng Đông Sơn nhóm B
Trong số các nhóm trống đồng Đông Sơn, nhóm B có số lượng lớn nhất được khai quật hoặc tìm thấy. Dưới đây là danh sách những chiếc trống đồng Đông Sơn được phân vào nhóm B:
- Trống Định Công I
- Trống Làng Vạc III
- Trống Việt Khê (được tìm thấy trong mộ thuyền Việt Khê)
- Trống Cửu Cao
- Trống Đông Sơn IV
- Trống Đông Sơn III
- Trống Yên Tập
- Trống Đông Sơn II
- Trống Phú Duy
- Trống Phú Khánh
- Trống Vĩnh Ninh
- Trống Hoằng Vinh
- Trống Làng Vạc IV
- Trống Định Công II
- Trống Hà Nội
- Trống Định Công III
- Trống Mật Sơn
- Trống Phương Tú
- Trống Ngọc Lũ II
- Trống Bình Phủ
- Trống Đông Sơn I
- Trống Giải Tất
- Trống Pắc Tà
- Trống Núi Gôi
- Trống Đào Thịnh
- Trống Duy Tiên
- Trống Thiết Cương
Phần lớn trống đồng Đông Sơn được phân vào nhóm B có họa tiết hình mặt trời chính giữa với 12 cánh hoặc ít hơn (10 hoặc 8 cánh).
2.3, Trống Đồng Đông Sơn nhóm C
So với nhóm A và nhóm B, số lượng trống đồng Đông Sơn nhóm C ít hơn. Họa tiết thể hiện trên nhóm trống này có mặt trời với 12 cánh (một số trống ít hơn), chim, bánh lái, thuyền, người hóa trang, người giã gạo, ngôi nhà…
Danh sách các mẫu trống đồng Đông Sơn nhóm C được tìm thấy:
- Trống Thôn Mống (Nho Quan, Ninh Bình)
- Trống Phú Phương I
- Trống Hàng Bún
- Trống Đắc Glao
- Trống Đa Bút
- Trống Chợ Bờ
- Trống Phú Phương II
- Trống Đông Hiếu
- Trống Nông Cống
- Trống Thôn Bùi
- Trống Hữu Chung
Trống đồng Đông Sơn được phân thành nhiều loại, mỗi nhóm có những nét chung riêng. Tuy vậy, những chiếc trống đồng Đông Sơn được biết đến nhiều hơn cả là những chiếc thuộc nhóm A1, đặc biệt là trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Sông Đà và trống Khai Hóa.

Do sự đa dạng trong phân loại trống đồng Đông Sơn, mỗi hiện vật khai quật được đều có những hoa văn cơ bản bắt nguồn từ văn hóa Đông Sơn. Phúc Tường Gold sẽ giới thiệu đến bạn đọc những họa tiết và ý nghĩa liên quan thể hiện trên mẫu trống đồng Đông Sơn loại I và một số mẫu khác. Như đã đề cập, trống loại I thường có kích thước lớn, thể hiện nhiều hình ảnh nguyên sơ ban đầu của nền văn hóa Đông Sơn.
III. Ý nghĩa các họa tiết trên trống đồng Đông Sơn
Trống đồng Đông Sơn Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà là ba mẫu trống được biết đến nhiều nhất trong số những chiếc trống thuộc phân loại nhóm I. Những họa tiết được chạm khắc tinh xảo, sống động, với bố cục rõ ràng, cân đối, hài hòa dù đã có niên đại cách đây 2500-3000 năm. Điều này cho thấy trình độ kỹ thuật, cách tổ chức cuộc sống của người Việt đã đạt đến tầm cao, vượt trội và tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến nhiều vùng đất khác, bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Họa tiết trên trống đồng Đông Sơn không chỉ thể hiện những thành tựu, trình độ vượt trội của người Việt cổ, mà còn ẩn chứa những ý nghĩa tốt đẹp về mặt tâm linh, phong thủy, cùng những khát vọng cao cả. Đó là lý do tại sao trống đồng Đông Sơn thường được sưu tầm, trưng bày trong không gian sống hoặc nơi làm việc.
1, Mặt trời – Họa tiết trung tâm

Trên ba mẫu trống đồng Đông Sơn đẹp nhất (Ngọc Lũ, Hoàng Hạ và Sông Đà), mặt trời là họa tiết trung tâm, quan trọng nhất. Nó tượng trưng cho nguồn năng lượng vô tận, mang đến sự sống và được coi là thần linh bảo vệ, che chở cho chúng sinh.
Mặt trời trên ba mẫu trống Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà có sự giống và khác nhau về số lượng tia sáng”
Loại trống | Ngọc Lũ | Hoàng Hạ | Sông Đà |
Số lượng tia nắng trên mặt trống đồng Đông Sơn | 14 | 16 | 14 |
Ý nghĩa:
- Nguồn năng lượng mang đến sự sống.
- Vị thần linh có khả năng che chở, bảo vệ.
- Xác định ngày, tiết trong năm (loại lịch âm kết hợp với chu kỳ mặt trời).
- Yếu tố Dương, cân đối với họa tiết lông công (Âm) trên mặt trống.
- Mang ý nghĩa phong thủy tốt lành.

2, Người nam nữ giã gạo

Hình ảnh hai người giã gạo cho thấy người Việt đã có trình độ cao trong sản xuất lương thực, thực phẩm để duy trì và phát triển cuộc sống. Họa tiết này cũng thể hiện cách tổ chức, quản lý, sự kết hợp cùng nhau trong sinh hoạt đời sống và công việc.
Yếu tố âm dương là thông điệp được người xưa ẩn ý trong hình tượng đôi nam nữ giã gạo. Điều này giải thích vì sao nhiều họa tiết trên trống thường là số chẵn.
Ý nghĩa biểu trưng qua họa tiết hình người giã gạo – trống đồng Đông Sơn:
- Cuộc sống no đủ, sung túc, hạnh phúc.
- Biết tổ chức, phối hợp cùng nhau trong sản xuất, canh tác nông nghiệp lúa nước.
- Cân đối hài hòa âm dương (Nam, Nữ).
- Sử dụng công cụ giúp công việc dễ dàng, thuận lợi hơn.
3, Chim Lạc

Nhiều tư liệu khoa học và nghiên cứu có cách gọi khác thể hiện hình tượng loài chim trên mặt trống, như: chim Phượng Hoàng, Cò Trắng, chim Hạc, chim Tiên (trong Tiên – Rồng)… Ở đây, chúng ta dùng tên gọi Chim Lạc để thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong hầu hết các mẫu trống đồng Đông Sơn (bao gồm loại I, II, III và IV), hình tượng chim Lạc luôn xuất hiện, dù nhiều họa tiết khác đã được giản lược ở các đời trống về sau. Điều này cho thấy chim Lạc có ý nghĩa biểu trưng quan trọng trong văn hóa, đời sống người Việt.
Ý nghĩa họa tiết chim Lạc trên trống đồng Đông Sơn:
- Khát vọng và ước mơ hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Tầm nhìn xa rộng của con người.
- Nhẹ nhàng, lãng mạn trong tâm hồn.
- Vòng kết nối nhân sinh, có bay đi và có trở về.
- Gửi gắm ý nguyện của con người đến thần linh, trời cao.
- Nuôi dưỡng ý chí và bản lĩnh chinh phục.
4, Hình người thủ lĩnh

Trống đồng Đông Sơn không chỉ là bảo vật quý giá ngày nay của Việt Nam, mà trong thời kỳ khai sinh và phát triển văn hóa Đông Sơn, trống đã là biểu tượng cao quý của người thủ lĩnh. Người có vị thế cao trong tập thể sẽ sở hữu những chiếc trống đẹp. Thủ lĩnh dùng trống để kêu gọi mọi người, gia tăng hào khí, sự uy nghiêm trong nhiều hoạt động: chiến đấu, ra hiệu lệnh, cúng bái thần linh…
Ý nghĩa họa tiết người thủ lĩnh trên trống đồng Đông Sơn:
- Quyền lực, bản lĩnh dũng mãnh.
- Có tầm nhìn, trí tuệ và sức mạnh.
- Bảo vệ và che chở cho mọi người trong quần thể (thể hiện qua hình tượng người thủ lĩnh cầm kiếm, đao, thương…).
- Dẫn đầu tập thể, bộ lạc.
5, Họa tiết con người nhảy múa

ình người đội mũ lông chim, tay cầm vũ khí như giáo, rìu, khèn thổi… vừa đi vừa múa là những họa tiết dễ thấy trên các mẫu trống đồng Đông Sơn. Trống đồng Ngọc Lũ thể hiện sắc nét hoa văn này.
Ý nghĩa họa tiết con người nhảy múa vui ca:
- Cuộc sống hạnh phúc, vui tươi.
- Chúc mừng những thành tựu, kết quả đạt được.
- Thể hiện hoạt động đời sống hàng ngày của con người Đông Sơn, người dưới thời Hùng Vương.
- Biểu diễn nghi lễ trong văn hóa.
- Quây quần, kết nối cùng nhau.
6, Con thuyền

Trong quá trình thực hiện chuyên đề này, chúng tôi nhận thấy sự tương đồng giữa thuyền trên trống đồng Đông Sơn và thuyền Ai Cập. Cả hai nền văn hóa này đều xem trọng hình tượng mặt trời, coi đây như thần linh. Vì vậy, thuyền cũng được sử dụng như dụng cụ thực hiện các nghi thức cúng bái thần. Hình dáng thiết kế của thuyền có chiều dài, đường cong và các chi tiết với nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa Đông Sơn và Ai Cập. Ngoài ra, nhiều chi tiết như chim Lạc, con người đoàn kết cùng nhau… cũng được khắc họa gắn liền với thuyền. Điều đó cho thấy con thuyền có vị trí quan trọng trong đời sống người Đông Sơn cũng như người Ai Cập.
Ý nghĩa con thuyền trên trống đồng Đông Sơn:
- Cầu mong mọi điều thuận lợi, suôn sẻ. Thuyền được sử dụng để cúng tế thần mặt trời, ra khơi để tế lễ các vị thần.
- Sử dụng trong đánh bắt hải sản, tôm cá. Đây là lý do trống đồng Đông Sơn được tìm thấy ở khu vực Đông Nam Bộ, Miền Trung và những nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia…
- Dùng trong các cuộc thi đấu đua thuyền.
- Là biểu tượng của may mắn, thịnh vượng và khát vọng.
- Phương thức tiếp cận với thần linh, liên thông tới trời-đất.
- Sử dụng trong chiến đấu (thể hiện qua hình ảnh thuyền chiến).
- Cho thấy con người Việt biết cách trao đổi thương phẩm với các quốc gia khác trong vùng.
7, Hình ảnh các loài vật trong tự nhiên

Người Đông Sơn khắc họa hình tượng các linh vật một cách chọn lọc, bao gồm những loài vật mà họ nhìn thấy và những loài có tính biểu trưng tốt đẹp: Nai, cá, chim, cóc, bò, rồng, phượng, chó, voi, báo và một số hình họa thú khác trên cạn, dưới nước.
Hình họa về các loài vật thể hiện trên trống đồng Đông Sơn cho thấy cuộc sống con người gần gũi với thiên nhiên, muông thú. Ngoài ra, còn truyền tải những ý nghĩa tốt đẹp:
- Chim Lạc, Phượng (Tiên): Khát vọng, ước muốn của con người.
- Nai: Sự hòa hợp với môi trường sống.
- Rồng: Được liên tưởng đến hình tượng Lạc Long Quân.
- Cá: Con người có thể săn bắt, kiểm soát cuộc sống dưới nước.
- Voi, Báo: Biểu tượng của sức mạnh.
Trống đồng Đông Sơn khắc họa những chi tiết loài vật cho thấy cuộc sống con người gần gũi, thân thiện, kết nối và hòa hợp giữa khát vọng, mong muốn của con người và các loài vật.
8, Ngôi nhà sàn
Trên mặt trống có nhiều hình tượng ngôi nhà. Nhà sàn được cho là nơi sinh sống, trú ngụ và cũng là không gian bảo vệ con người tránh khỏi thú dữ. Hình ảnh nhà trên trống đồng cho thấy con người có trình độ, biết tổ chức, sắp xếp nguyên liệu, biết thiết kế và bài trí để tạo nên kiến trúc nhà sàn.

9, Quả trứng
Trứng được cho là họa tiết thể hiện rõ truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ sinh trăm trứng, mang ý nghĩa về sự sống, sự phát triển và là cội nguồn của vạn vật.
Trứng được cho là họa tiết thể hiện rõ truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu cơ sinh trăm trứng. Mang ý nghĩa về sự sống, phát triển và là cội nguồn của vạn vật.
10, Vũ Khí
Những vật dụng như kiếm, đao, thương, mũi tên, giáo… được con người cầm hoặc khắc họa trên trống, đánh dấu thời kỳ vượt trội trong việc chế tạo, sử dụng đồ dùng kim khí phục vụ vào mục đích chiến đấu, sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt…


11, Người lễ bái thần linh
Đây được xem là họa tiết giàu ý nghĩa nhân văn, mang đậm bản sắc người Việt. Người lễ bái trong ngôi nhà vòm, người tế bái trên thuyền, người cầm đạo cụ lễ bái (thể hiện qua hình tượng con người vừa đi vừa nhảy),… là những hoa văn cho thấy truyền thống trọng văn hóa tâm linh. Ngày nay khía cạnh văn hóa tâm linh vẫn được người Việt hiện đại gìn giữ và phát huy – Du lịch tâm linh là một trong biểu hiện thấy rõ.
Điều đó cho thấy, dù cách đây 2500 năm, con người nước Việt đã biết trân trọng, báo đáp và bái tạ thần linh, mặt trời, thần núi, thần sông,…bảo vệ, che chở, ban phước lành.

12, Con cóc (Ếch)
Hình tượng Cóc (Ếch) trên trống đồng Đông Sơn mang ý nghĩa cầu nguyện mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở và cũng được coi là biểu tượng của sự tái sinh. Người xưa tin rằng Cóc (Ếch) là loài vật báo hiệu cho mưa, nước – hai yếu tố giúp nền nông nghiệp lúa nước phát triển, mang đến mùa màng bội thu. Trên nhiều mẫu trống, Ếch (Cóc) có thể chồng hai, chồng ba, ngụ ý về sự phối giao, hạnh phúc, sung túc. Tượng Cóc bài trí đều nhau, có khi là 4 cụm, có khi 6 cụm.

13, Họa tiết âm dương
Âm – Dương là khái niệm trừu tượng, song được người dân trong nền văn hóa Đông Sơn thể hiện chân thực qua nhiều chi tiết. Hầu hết các hoa văn trên mặt trống đều được thiết kế, bố cục đối xứng, có cặp đôi, là số chẵn. Ví dụ như các đường tiếp tuyến có sự đối ứng, chim hạc mỏ dài mỏ ngắn, tia nắng mặt trời xen kẽ lông công, nam nữ giã gạo… Tất cả đều cho thấy ý nghĩa âm dương được khắc họa rõ nét trên trống đồng Đông Sơn.
Điều này biểu thị sự tin tưởng của con người vào thiên nhiên, thần linh, nhưng lấy năng lực, trí tuệ làm cơ sở. Thành tựu đạt được đã để lại di sản to lớn cho thời kỳ nhà nước đầu tiên – nhà nước Văn Lang, dưới sự lãnh đạo, xây dựng và phát triển bởi các Vua Hùng.

IV. Hình ảnh trống đồng Đông Sơn được khai quật, tìm thấy
Với thiết kế bố cục cân đối hài hòa, thể hiện được trọn vẹn những hình tượng đặc trưng của nền văn hóa Đông Sơn. Dưới đây Phúc Tường Gold gửi đến quý bạn đọc và khách hàng hình ảnh thực tế của 3 dòng trống đồng Đông Sơn được các nhà khoa học, tư liệu chuyên đánh giá là những chiếc trống đẹp nhất trong tất cả các loại trống Đông Sơn, bao gồm: Trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ và trống Sông Đà.